THƯ VIỆN ẢNH > Hợp tác

Taxi “dù” ngang nhiên hoạt động -Kỳ cuối: Lên taxi hãy xem kỹ bảng giá
21/08/2013 | 11:22:21
Taxi “dù” hoạt động ngày càng tinh vi, ngay cả cơ quan chức năng cũng khó phân biệt nếu chỉ quan sát bề ngoài xe.
Chị Phương Mai, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết, dịp Tết vừa rồi, chị ở quê ra và “mòn mỏi” gọi taxi đến Ga Hà Nội đón. Ngày nghỉ lễ, nhu cầu sử dụng dịch vụ này tăng cao, lại “khát” xe nên chị Mai không thể “vời” được taxi từ tổng đài. 20 phút chờ đợi, một chiếc xe 4 chỗ đỗ xịch trước mặt, anh “xế” đon đả mời khách. Nhìn qua, thấy xe có “mào”, có tên tuổi, số điện thoại đầy đủ nên gia đình chị hồ hởi lên xe. Quãng đường về nhà có 4,5 km nhưng khi dừng xe, anh “xế” hét giá 200 nghìn đồng. “Từ ga về đây, đồng hồ của anh tính bao nhiêu km?”, chị Mai tá hỏa, anh “xế” vô tư đáp, hơn 10km. Biết là gặp phải taxi “dù”, chị Mai không đôi co, bảo anh này vào trụ sở phường giải quyết. Thấy “thượng đế” có vẻ “rắn”, anh “xế” xuống nước, hỏi mọi lần đi hết bao nhiêu thì lấy từng đó.

Anh Nguyễn Minh, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội kể, hôm rồi, anh chứng kiến cảnh giằng giật giữa 2 vị khách nước ngoài với một “xế” taxi. Vì hai bên không hiểu nhau, anh Minh đã giúp phiên dịch. Chuyện là, 2 “ông Tây” đi từ phố Hàng Bông ra phố Ngọc Hà, Hà Nội, lái xe đòi 300 nghìn đồng. Cho rằng, bị “bịp”, 2 “thượng đế” chỉ trả một nửa tiền. Không đồng ý, anh “xế” này đã giằng chiếc máy ảnh kỹ thuật số của “thượng đế”. Tỏ câu chuyện, anh Minh đã gọi điện cho đồng chí CA phường gần đó đến giải quyết, anh lái xe này vội “té”.

Tiếng nói người trong cuộc!

Anh Minh, lái xe hãng taxi Thanh Nga cho biết, nếu phân biệt bằng quan sát bên ngoài rất khó phân biệt đâu là taxi “xịn”, taxi “dù”. Để không rơi vào “ma trận”, “thượng đế” có thể ngó vào trong xe, xem bác “xế” có đặt chứng chỉ hành nghề trên xe hay không (?). Thông thường, lái xe thường đặt chứng chỉ này ở gần mặt kính trước xe để tiện cho lực lượng chức năng kiểm tra. “Khách hàng cũng có thể tìm bảng niêm yết giá cước. Nếu taxi chính hãng, xe thường dán đến 4, 5 bảng giá quanh xe; taxi “dù” thì không. Ban đêm thường là thời điểm taxi “dù” hoạt động nhộn nhịp, do vậy trong những thời điểm này, người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác” – anh Minh chia sẻ.

Còn anh Thanh Bình, làm trong lĩnh vực vận tải nói, ngay cả lực lượng chức năng còn khó phân biệt taxi chính hãng và taxi “dù” huống hồ người dân. Logo của các hãng taxi lớn bị nhái gần như giống hệt từ màu sắc, kiểu dáng, thậm chí là số điện thoại. Chỉ khi khách ngồi trên xe mới có thể nhận biết. Chủ xe chỉ cần sử dụng thiết bị tạo “xung” gắn vào đường dây trước đồng hồ tính tiền. Thiết bị này hoạt động bởi một điều khiển từ xa có kiểu dáng giống nhiều loại khóa điện tử của ô tô. Nhân lúc khách hàng sơ ý, anh “xế” ý tứ nhấn nút và đồng hồ tính tiền sẽ tự động nhảy nhanh hơn bình thường. “Đa phần, taxi “dù” hoạt động không có bộ đàm trên xe hoặc nếu có thì chỉ để mang tính chất tượng trưng, không hoạt động. Trường hợp, không gọi xe mà phải lên xe lạ, tốt nhất là cứ mặc cả trước. Còn vớ phải taxi “dù”, thấy đồng hồ tính tiền “phi” ầm ầm thì xuống xe luôn” – anh Bình bật mí.

Như vậy, việc phát hiện hoạt động của các loại xe taxi “dù” chủ yếu phải nhờ vào sự kiên quyết của các cơ quan chức năng. Trước khi siết chặt việc quản lý taxi, các cơ quan chức năng nên công khai và minh bạch về việc cấp phù hiệu taxi. Có vậy, người dân mới biết và có thể phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện và chỉ ra một số hãng taxi hoạt động “chui”. 

Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội khẳng định, sẽ xử lý mạnh taxi “dù” trong thời gian tới. Đưa ra giải pháp, ông Mạnh phân tích, cần sửa chế tài xử lý, tăng biện pháp quản lý; ví dụ, quy định mỗi hãng phải có tối thiểu 50 xe, chỉ nên có 10-15 hãng để hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, thống nhất về màu sơn, dễ quản lý, xử lý, thu thuế. “Taxi là một nghề và nên ủng hộ hoạt động này. Song phải quy củ, chuyên nghiệp, các hãng ít xe, làm ăn cẩu thả thì gom lại hoặc giải tán. Không nên để Hiệp hội nghề cấp phù hiệu, chứng chỉ. Như ở nước ngoài, họ coi taxi là nghề chuyên nghiệp nên để lấy chứng chỉ hành nghề rất khó” – ông Mạnh nói. Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, biện pháp duy nhất hiện nay để kiểm soát và hạn chế taxi “dù biến tướng” là cần phải nâng cao trách nhiệm của chính các DN kinh doanh taxi, đặc biệt là trong công tác quản lý.

Liên quan đến công tác phối hợp, Trung tá Nguyễn Hồng Thái, Đội trưởng Đội CSGT số 14, CATP Hà Nội bày tỏ, chế tài xử lý đối với các xe taxi nói chung và xe taxi “dù” nói riêng còn rất nhẹ, nên có lái xe, hãng xe “nhờn”. Ngoài ra, theo ông Thái, để xử lý đối với hình thức taxi “dù” cũng không đơn giản. Đa số lực lượng CSGT và TTGT phải “mục sở thị” mới có đủ bằng chứng xử lý.  Còn Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt – CATP Hà Nội cho hay, để phần nào hạn chế hoạt động bát nháo của taxi, Sở GTVT cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các điểm đỗ dành cho xe taxi và ưu tiên khu vực nội thành. Cùng với đó, Sở GTVT Hà Nội cũng cần nghiên cứu, cắm biển báo cấm đỗ, dừng tại khu vực trước cổng BV. Sở Y tế Hà Nội cũng cần chỉ đạo các BV, trung tâm làm việc trực tiếp, ký hợp đồng cụ thể với các hãng taxi để bố trí điểm dừng, đón trả bệnh nhân, người nhà, khách hàng đúng quy định. 

Từ khóa:

Quảng cáo