Giả làm thầy cúng đắt khách

Gặp phóng viên Báo Lao Động & Đời sống, anh Lưu Văn Thanh (tài xế hãng taxi Nội Bài, SN 1980, quê Thanh Hóa) vẫn không khỏi bàng hoàng, thất thần vì bị lừa mất 1,5 triệu đồng tiền mặt và 500.000 đồng tiền công chở khách lên chùa Hà Tiên trong dịp tết vừa qua. Anh Thanh kể: Hôm đó là ngày 3.2 (tức mùng 4 Tết), sau khi chở khách từ Hà Nội đi đền Trần (Nam Định), anh quay lại Hà Nội, đến đường Phạm Văn Đồng thì có khách gọi xe. Vừa lên xe, khách tự xưng là thầy cúng, tên Đức Anh và yêu cầu anh chở lên chùa Hà Tiên (Vĩnh Phúc) để làm lễ.

Trên đường đi, người đàn ông xưng là thầy cúng đó liên tục nghe và gọi điện thoại. Anh Thanh nhớ lại: “Vừa ngồi lên xe, hắn nghe điện thoại của một người đàn ông và nói “Con bắt được xe rồi, thầy đợi con một tiếng nữa là con lên tới nơi”. Hắn cố tình bật loa ngoài cho tôi nghe thấy.

Vừa cúp máy, giọng một người đàn bà lại gọi điện tới nói “Cậu xếp lịch vào ngày 12 này cho con làm lễ ở đền Cô Chín được không thầy”. Lát sau, lại một người nữa điện thoại và xin đặt ngày 18 để làm lễ. Thấy vậy, gã thầy cúng tỏ vẻ cáu gắt, nói to “Thế các người có cho ta nghỉ ngơi không thì ta mới làm việc được chứ”, rồi tắt phụt máy”.

Lúc này, anh Thanh mới bắt đầu trò chuyện với gã đàn ông tự xưng là thầy cúng này. Trong cuộc trò chuyện, gã hỏi thăm anh Thanh rất nhiệt tình về công việc, gia đình. Anh Thanh cũng thật thà kể chuyện. Trò chuyện được 30 phút thì lại có người gọi điện đến, gã thầy cúng bắt máy. Anh Thanh lại nghe được câu chuyện qua điện thoại. Anh kể: “Người đàn bà nói rằng bà ấy mượn được nhà Mẫu ở chùa Hà Tiên để làm lễ rồi, chỉ đợi “cậu” (gã đàn ông xưng là thầy cúng) lên làm lễ.

Gã thầy cúng yêu cầu người kia chuẩn bị 5 triệu đồng, 3 triệu đồng trả tiền nhà chùa, 1,5 triệu đồng mừng tuổi nhà chùa, còn lại để trả tiền taxi. Người kia vâng vâng dạ dạ rồi cúp máy. Lên tới chùa Hà Tiên, gã thầy cúng nhờ tôi mua hộ chiếc phong bì để mừng tuổi nhà chùa, nhưng vì con nhang chưa mang tiền xuống nên hỏi mượn tôi. Tôi nói có 1,5 triệu thôi thì gã này đồng ý mượn rồi đút vào phong bì mang lên chùa. Gã nói tôi đợi gã ở dưới, làm lễ xong, gã xuống về Hà Nội ngay rồi trả cả tiền lượt đi lẫn về.

Lúc đó là gần 20h tối, tôi đợi tới gần 21h tối mà vẫn không thấy gã thầy cúng đó đâu. Tới 21h, thấy nhà chùa đóng cửa, tôi hốt hoảng chạy vào trong hỏi bảo vệ mới tá hỏa biết mình bị lừa. Không có ai gọi là thầy cúng đang làm lễ trong chùa hết”.

Anh Thanh thất thần, ngẫm lại suốt dọc đường đi mới thấy trong câu chuyện với gã thầy cúng có nhiều điểm đáng ngờ mà anh không phát hiện ra. Tại sao gã lại bật loa ngoài cho anh nghe thấy, tại sao lại có nhiều cuộc điện thoại đến thế, tại sao hắn vừa lên xe đã nghe điện thoại liên tục? Xâu chuỗi lại các tình tiết, anh nhận ra vở kịch do gã thầy cúng dựng lên quá hoàn chỉnh. Anh cũng băn khoăn không biết có phải anh bị gã thầy cúng thôi miên hay không mà lại dễ dàng đưa tiền cho hắn vay và đợi bên dưới cả tiếng đồng hồ như vậy?

Nhiều “kịch bản” tương tự được dựng lên

Để tìm hiểu thực hư sự việc, sau khi trò chuyện với anh Thanh, phóng viên chúng tôi lên chùa Hà Tiên, gặp sư ông, bảo vệ và nhiều người làm việc trong chùa. Nói về việc tài xế taxi bị một số đối tượng giả làm thầy cúng yêu cầu lái xe đưa lên chùa Hà Tiên làm lễ cho du khách, sư thầy Thích Đạo Từ cho biết: “Từ trong Tết cho tới nay đã xảy ra ba trường hợp như vậy.

Sau khi bị những gã gọi là thầy cúng lừa, các tài xế cũng lên chùa thông báo, đi tìm kẻ lừa đảo, nhưng không thấy. Trường hợp tài xế taxi tên Thanh thì tôi vẫn nhớ, hôm đó ngày mùng 4 Tết, nhà chùa chuẩn bị đóng cửa thì thấy anh này hớt hải chạy lên hỏi có thầy cúng đang cúng trong chùa không thì nhà chùa khẳng định không có. Nhà chùa không cho thầy cúng bên ngoài vào trong chùa. Việc cúng bái trong chùa đều do các sư làm việc và cúng cho khách, trừ khi có các thầy được nhà chùa mời về, nhưng hiện tại nhà chùa không mời ai về cúng”.

Anh Thanh không phải trường hợp duy nhất bị lừa với thủ đoạn như trên. Trường hợp đầu tiên là tài xế xuất phát từ Bắc Ninh lên chùa Hà Tiên. Trường hợp gần đây nhất là vào ngày 19.2, một tài xế đi từ dưới Hà Nội lên cũng bị lừa với màn kịch giống như của anh Thanh.

Ông Nguyễn Tiến Hùng (SN 1959) - bảo vệ tại chùa Hà Tiên) cho hay: “Tối 19.2, một tài xế cũng lên chùa thông báo việc bị một thầy cúng nói là làm lễ trên chùa Hà Tiên vay tiền, mượn điện thoại không trả. Ngay sau đó, bảo vệ nhà chùa cùng tài xế chia nhau đi lục soát khắp khuôn viên chùa, nhưng không tìm thấy người nào khả nghi như anh tài xế nói. Theo tài xế này, kẻ lừa đảo là một thanh niên cao khoảng trên 1,7m, gầy, da xanh, tóc dài, trông thư sinh, nho nhã”.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, trường hợp tài xế bị lừa hôm trước Tết, kẻ lừa đảo đi vào cổng trước rồi lẻn ra cổng sau trốn thoát. Nhiều người dân hôm đó cho hay trông thấy một người đàn ông nhảy qua bờ tường cổng sau chạy ra ngoài. Chùa Hà Tiên có hai cổng, một cổng mở thường xuyên để đón khách, còn cổng sau ít khi mở vì khách ít đi lối đó. Từ khi vụ lừa đảo đầu tiên xảy ra, nhà chùa khóa đã chặt cổng sau, chỉ khi có khách gọi mới mở cổng sau đó lại khóa vào.

Ông Hùng cho rằng, hai vụ việc gần đây có thủ đoạn lừa đảo gần giống nhau. Vụ gần đây nhất, tài xế cả tin cho gã thầy cúng rởm vay 500 nghìn đồng và chiếc điện thoại iPhone để gã này điện thoại cho con nhang. “Trong chùa không có con nhang mà chỉ có các phật tử, những kẻ lừa đảo này chỉ có thể lừa những tài xế cả tin, họ nhầm lẫn giữa con nhang, đệ tử và phật tử mà thôi”, ông Hùng nói.

Sư thầy Thích Đạo Từ cũng khẳng định: “Xưa nay, chùa Hà Tiên chưa bao giờ cho phục vụ hầu đồng, không cho các đệ tử theo hầu, không nổi đồng, nổi cốt, trong chùa chỉ có các sư. Việc cúng lễ cho khách thập phương, nếu nhờ nhà chùa thì các sư trong chùa sẽ giúp. Nhà chùa cũng không cho cá nhân nào vào cúng thuê, hay người nào xưng là thầy cúng vào chùa làm lễ. Chỉ những thầy cúng được nhà chùa mời về làm lễ mới được làm việc này. Vì vậy, việc có kẻ xưng là thầy cúng lên chùa làm lễ, cúng bái cho du khách là lừa đảo”.

Trao đổi với Th.S Nguyễn Mạnh Quân - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể -Tâm – Trí về ngành khoa học thôi miên về việc liệu có xảy ra trường hợp tài xế taxi bị thôi miên hay không, ông Quân phân tích: “Thôi miên thực chất không kỳ bí như người ta vẫn tưởng. Nó là quá trình kết hợp giữa các chuyên gia, các nhà trị liệu với các đối tượng muốn thôi miên.

Nói như vậy nghĩa là phải được sự đồng ý từ hai phía. Trong trường hợp này, anh tài xế không đồng ý nghe theo lời tên thày cúng rởm kia nói, như vậy có nghĩa là anh này vẫn hoàn toàn tỉnh táo, chủ động được hành vi của mình. Nhiều trường hợp sau khi bị lừa mất tiền, để “chữa ngượng”, nhiều người nói rằng bị thôi miên, nhưng thôi miên không phải như vậy. Đây là do anh tài xế do quá tin vào màn kịch, lời lẽ của tên lừa đảo kia mà thôi”.

Sau khi có nhiều kẻ lừa đảo xưng là thầy cúng lên chùa Hà Tiên cúng bái, lừa đảo tiền và tài sản của nhiều lái xe taxi, công an xã Định Trung cũng đã nhận được thông báo. Ông Nguyễn Tiến Sĩ -Trưởng công an xã Định Trung cho biết đã cử công an viên xuống sát địa bàn chùa theo dõi, nắm tình hình, cùng bảo vệ nhà chùa thắt chặt an ninh, hỗ trợ người bị nạn ngay khi cần thiết. 

Ông Sĩ cũng đưa ra lời khuyên cho nhiều người hãy tỉnh táo, cảnh giác với nhưng chiêu người lạ hỏi mượn tiền, người lạ gạ mua đồ với giá rẻ vì đó là một trong những thủ đoạn lừa đảo.